9 năm trắc trở xây cao tốc Bến Lức - Long Thành

 Cao tốc nối Long An và Đồng Nai dài 58 km, tổng vốn hơn 31.300 tỷ đồng, khởi công 9 năm trước đến nay vẫn dang dở do thiếu vốn, vướng thủ tục.


Đầu tháng 3, không khí vắng lặng bao trùm công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua huyện Bình Chánh. Tại khu vực giao quốc lộ 50, hàng loạt xe cẩu, máy đào đất, xe bồn... nằm ngổn ngang, trơ khung sắt, cỏ dại phủ kín sau thời gian dài bị ngưng trệ. Hai nhánh cầu dẫn ở nút giao này đang xây dở nằm trơ trọi, nhiều đoạn bêtông xám xịt vì phơi nắng mưa lâu ngày.


Dọc tuyến hướng về Long An, nhiều đoạn cao tốc đã trải nhựa, nhưng do dừng thi công từ lâu, hàng loạt lối tự phát được người dân mở ra để đi tắt qua khu vực. Tình trạng mất cắp lưới chống loá, điện... ở công trình cũng diễn ra thường xuyên.


Xe múc hư hỏng, bị cỏ dại phủ kín trên công trường cao tốc Bến Lức - Lòng Thành, đoạn gần quốc lộ 50, đầu tháng 3. Ảnh: Thanh Tùng

Xe múc hư hỏng, bị cỏ dại phủ kín trên công trường cao tốc Bến Lức - Lòng Thành, đoạn gần quốc lộ 50, đầu tháng 3. Ảnh: Thanh Tùng


Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km được khởi công tháng 7/2014. Công trình có điểm đầu ở nút giao cao tốc Trung Lương và Vành đai 3 TP HCM (địa phận Long An); điểm cuối giao quốc lộ 51 (Đồng Nai). Tuyến đường dự kiến hoàn thành sau 5 năm, tạo trục huyết mạch nối hai vùng Đông - Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP HCM.


Tổng vốn đầu tư của dự án 1,6 tỷ USD (31.320 tỷ đồng), hợp từ 3 nguồn, gồm: hơn 13.600 tỷ đồng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); gần 12.000 tỷ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); gần 5.700 tỷ đồng còn lại từ nguồn đối ứng trong nước. Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính, chia thành ba đoạn đầu tư độc lập. Trong đó, 5 gói đoạn phía Tây (A1, A2-1, A2-2, A3, A4) dùng vốn ADB. Ba gói đoạn giữa (J1, J2, J3) dùng vốn JICA. Ba gói còn lại ở phía Đông (A5, A6, A7) dùng vốn từ hiệp định vay ADB lần hai.


Năm 2019 - thời điểm dự án phải hoàn thành theo kế hoạch, tổng khối lượng chỉ đạt 80% thì gặp vướng về thủ tục nên không được bố trí vốn. Trong đó, các gói thầu đoạn phía Tây dùng vốn ADB phải dừng do hiệp định vay lần một nhưng không được gia hạn. Nguyên nhân do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư) chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, song thời điểm này chưa xác định được cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư. Do đó, nhiều thủ tục gia hạn, điều chỉnh dự án không thực hiện được.


Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn gần quốc lộ 50. Ảnh: Thanh Tùng

Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn gần quốc lộ 50. Ảnh: Thanh Tùng


Việc bố trí nguồn vay của JICA cho ba gói thầu đoạn giữa tuyến cũng bị vướng do tháng 11/2018, Quốc hội ra nghị quyết chưa phân bổ vốn nước ngoài cho VEC, dù hiệp định vay của nhà tài trợ này vẫn còn hiệu lực. Không được cấp vốn nên đến đầu năm 2019, các nhà thầu ở đoạn này cũng dừng thi công.


Không chỉ vốn vay nước ngoài, nguồn đối ứng trong nước dùng cho giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng không được bố trí từ đầu năm 2019. Nguyên nhân là phải thực hiện các thủ tục theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và cần xác định cơ quan tiếp nhận, giao kế hoạch vốn ngân sách đối với các dự án do VEC thực hiện.


Công trình bị ngưng trệ nhiều năm khiến nhà thầu các gói A1, A3, A6, J1, J3 khiếu nại về chi phí phát sinh trong thời gian dừng chờ, chấm dứt hợp đồng với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng. VEC đã nhiều lần đàm phán với các nhà thầu nhằm khởi động lại dự án, còn chi phí phát sinh sẽ giải quyết song song quá trình triển khai. Tuy nhiên, các đơn vị thi công không đồng ý. Trong đó, nhà thầu J3 (thi công cầu Phước Khánh), đã khởi kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore.


Cầu Phước Khánh (gói thầu J3) thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành đã dừng thi công gần 4 năm nay. Ảnh: Quỳnh Trần

Cầu Phước Khánh (gói thầu J3) thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành đã dừng thi công gần 4 năm nay. Ảnh: Quỳnh Trần


Trước hàng loạt khó khăn, chủ đầu tư phải lùi thời gian hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành đến năm 2020, rồi tiếp tục tới cuối năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch này nguy cơ đổ vỡ vì nhiều vướng mắc trong thủ tục cấp vốn chưa được giải quyết. Đến nay chỉ nguồn vốn của JICA được thống nhất bố trí cho dự án, các nguồn của ADB và vốn đối ứng vẫn còn vướng mắc thủ tục pháp lý.


Để giải quyết khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Thủ tướng lùi thời gian hoàn thành đến tháng 9/2025; đồng thời điều chỉnh cơ chế tài chính với từng nguồn vốn ở dự án. Trong đó, cho phép VEC dùng hơn 5.100 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ, cùng vốn hợp pháp của đơn vị này để hoàn thành dự án. Số tiền trên bao gồm 758 tỷ đồng vốn đối ứng; hơn 4.350 tỷ để thi công xong các hạng mục còn lại, gồm: đoạn phía Tây (hơn 1.770 tỷ đồng), phía Đông (800 tỷ đồng); nút giao quốc lộ 51 (1.100 tỷ đồng)...


Tuy nhiên, đề xuất trên chưa được Bộ Tài chính đồng thuận vì lý do nguồn thu phí VEC quản lý là dòng tiền tạm thời nhàn rỗi, chưa trả nợ cho nhà nước. Đây là nguồn sở hữu của nhà nước, không phải của VEC nên đơn vị này tự bố trí cho dự án sẽ không phù hợp.

Post a Comment

Previous Post Next Post